Tin tức 24h, chia sẻ thông tin đời sống hàng ngày

Dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm trẻ em rơi vào cảnh mất người thân, từ đó dẫn đến lo ngại các bé sẽ bị sang chấn tâm lý.

Sau hơn 1 năm rưỡi bùng phát dịch, Bộ Y tế cho biết, số ca Covid-19 tại Việt Nam đến nay đã là hơn 550.000 người. Đáng nói, riêng đợt dịch lần 4 (bắt đầu từ ngày 27/4), chiếm hơn 540.000 ca, trong đó có hơn 11.800 F0 trẻ em và hơn 27.300 F1 là các em nhỏ. Thông tin này được báo VnExpress đăng tải.

Cả gia đình thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm khi vào khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, báo VnExpress viết, tại hội nghị trực tuyến về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch diễn ra vào sáng 8/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong đợt dịch lần 4 này, F0 là trẻ em chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành phía nam. 

Nơi có nhiều trẻ nhiễm Covid-19 nhất là TP.HCM với khoảng 3.000 bé. Ngoài ra, còn có gần 250 bé mất cha, mẹ hoặc trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì ảnh hưởng của dịch. Trong số 39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập lập tại TP.HCM, có 7 nơi đã bị dịch xâm nhập. 

Còn tại Hà Nội, thống kê cho thấy, trong tháng 7 có khoảng 5% là F0 trẻ em dưới 5 tuổi. Ông Nam phát biểu: "Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ rơi vào cảnh mất người thân, dễ dẫn đến sang chấn tâm lý".

Bé gái điều trị khỏi Covid-19 được xuất viện về nhà. (Ảnh: HCDC)

Từ thực tế này, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đề nghị các địa phương phải lên kế hoạch hỗ trợ những bé thuộc diện F0, F1; chăm sóc những trường hợp có cha mẹ, người thân nhiễm bệnh, đang cách ly, các em phải sống một mình.

Còn về tương lai xa hơn, bà Hà yêu cầu các tỉnh cần thiết lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên tiếp nhận, chăm sóc các bé. Song song với đó là phát động chương trình ủng hộ kinh phí mua các thiết bị cần thiết, phục vụ việc học tập trực tuyến cho các bé thuộc hộ nghèo, cận nghèo,... như máy tính, smartphone.

Về phương án bảo vệ an toàn cho các bé trước tác động của Covid-19, đại diện ngành lao động các tỉnh đã đưa ra đề xuất nên sớm có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em. Theo ông Trần Công Nguyên, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, vaccine ngừa Covid-19 chính là "chìa khóa" để mở cửa trường học trong thời điểm này.

Trẻ em đang là đối tượng được quan tâm trước dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai cũng đề xuất cần triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng trẻ em để các bé được học tập, vui chơi như trước kia.

Mặc dù đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em nhiễm Covid-19 ít có nguy cơ chuyển biến nặng và không qua khỏi so với những nhóm khác, tuy nhiên các gia đình cũng không nên chủ quan, cần dạy trẻ cách phòng ngừa cơ bản, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K. Đặc biệt nhắc nhở trẻ nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo ngay cho người lớn.

VIỆT NAM SẮP TỰ CHỦ ĐỘNG SẢN XUẤT ĐƯỢC THUỐC TRỊ COVID-19

Để dập tắt hoàn toàn dịch Covid-19, bên cạnh vaccine thì thuốc điều trị cũng được xem là giải pháp đóng vai trò quan trọng. Mới đây, Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với Công ty Xenothera (Pháp) để bàn về việc hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị Covid-19.

Được biết, loại thuốc đang được Công ty Xenothera nghiên cứu phát triển là hỗn dịch truyền kháng thể đa dòng XAV-19 có khả năng điều trị F0 thể trung bình, ngăn chặn diễn tiến nặng, trung hòa virus, giảm viêm ở người nhiễm SARS-CoV-2. 

Điểm đặc biệt của loại thuốc này là nó có hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng của SARS-CoV-2 được phát hiện đến thời điểm này.

Nguồn https://www.yan.vn/dich-benh-khien-hon-200-em-nho-o-tphcm-roi-vao-canh-mat-nguoi-than-275953.html