Tin tức 24h, chia sẻ thông tin đời sống hàng ngày
Dữ liệu này được thu thập tại Israel, quốc gia mà vaccine Pfizer đang được sử dụng phổ biến để phòng ngừa Covid-19.
Trang Reuters đưa tin, trong tháng 9, Israel sẽ gửi dữ liệu về vaccine Pfizer đang được sử dụng rộng rãi tại nước này cho Mỹ. Sau đó, thông tin sẽ được chuyển đến Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để đánh giá.
Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của Bộ Y tế Israel cho biết, trong cuộc họp được tổ chức vào ngày 17/9 tới đây, quốc gia này được FDA yêu cầu thông báo về dữ liệu tiêm chủng: “Chúng tôi được đề nghị tham gia cuộc họp để trình bày kinh nghiệm của Israel, từ đó giúp cả thế giới học hỏi.”
![]() |
Nhiều người ở Israel đã được tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 |
Kết quả của cuộc họp sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định cân nhắc tiêm mũi thứ 3 cho người dùng vaccine Pfizer và thảo luận về những mũi tiêm sau đó.
Một tuần trước, Israel đã bắt đầu cung cấp liều tăng cường vaccine Pfizer cho những người từ 12 tuổi trở lên. Từ tháng 7, người cao tuổi ở nước này cũng đã được tiêm mũi nhắc lại.
Các quan chức y tế ở quốc gia này cho biết, giải pháp trên đã làm chậm sự gia tăng các bệnh nghiêm trọng do biến chủng Delta gây ra. Họ cũng đánh giá hiệu quả của vaccine Pfizer sẽ “phai” sau 5 tháng. Vì vậy, để khôi phục mức độ bảo vệ của mũi tiêm thứ 2 thì tiêm nhắc lại là việc làm cần thiết.
![]() |
Phía tập đoàn Pfizer vẫn bảo vệ quan điểm cần tiêm mũi vaccine thứ 3. |
Tính đến nay, Israel đã có 2,6 triệu người trong tổng số 9,3 triệu dân được tiêm 3 liều vaccine Pfizer. Số liệu từ Bộ Y tế Israel cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm, trở nặng và không qua khỏi đang giảm dần, nhất là nhóm trên 60 tuổi.
Trước đó, BBC có viết, chính tập đoàn Pfizer đã đưa ra bằng chứng để nhấn mạnh nên tiêm liều bổ trợ đối với vaccine này vì công nghệ mRNA sẽ suy giảm theo thời gian nhưng có thể cải thiện được nếu tiêm mũi thứ 3.
Trong nghiên cứu được đăng tải trực tuyến, các nhà khoa học của Pfizer đã báo cáo vaccine đạt hiệu quả cao nhất là 96% trong 2 tháng đầu tiên sau liều thứ 2. Nhưng con số này giảm khoảng 6% 2 tháng sau đó và giảm xuống còn 83,7% sau 4-6 tháng.
![]() |
Israel sẽ công bố dữ liệu thực tế liên quan đến việc tiêm vaccine Pfizer ở quốc gia này. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Nhưng đáng lưu ý là kết quả này lại được đưa ra trước khi có sự xuất hiện của biến thể Delta. Vì thế, các chuyên gia e ngại rằng trong các nghiên cứu sắp tới, hiệu lực của Pfizer còn giảm hơn trước biến chủng này.
Thậm chí, có người chỉ ra rằng, nếu hiệu quả của vaccine Pfizer tiếp tục giảm theo tỉ lệ trên thì trong vòng 18 tháng sau khi tiêm chủng, mức độ bảo vệ sẽ xuống dưới ngưỡng 50%. Và điều này sẽ củng cố quan điểm rằng 2 liều vaccine Pfizer là không đủ để bảo vệ lâu dài.
Ngoài Israel, đã có một số quốc gia khác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa Covid-19. Và nếu triển khai trên diện rộng thì sẽ phải cần một lượng lớn vaccine để cung ứng.
VACCINE MODERNA CÓ KHẢ NĂNG BẢO VỆ HIỆU QUẢ VÀ KÉO DÀI HƠN PFIZER
Giám đốc y tế của Moderna - ông Paul Burton, cho biết vài tuần vừa qua, công ty đã tiến hành loạt nghiên cứu rất đáng tin cậy liên quan đến vaccine này. Qua đó cho thấy vaccine Moderna có khả năng bảo vệ lâu dài và chống được biến chủng Delta.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Đại học Virginia cho thấy, liều lượng mRNA có trong Moderna cao gấp 3 lần so với Pfizer. Điều này ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của vaccine.
Một ví dụ được đưa ra là nghiên cứu thực hiện trên những nhân viên y tế của Bỉ. Sau 2 tháng tiêm vaccine Moderna liều thứ 2 thì kháng thể trong cơ thể họ cao gấp đôi so với người được tiêm vaccine Pfizer.